Những năm gần đây, Lâm Đồng đã nỗ lực huy động, quản lý và sử dụng mọi nguồn lực đầu tư phát triển, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Năm 2022 có thể nói là năm đầy quyết tâm khi tỉnh liên tục “chạy nước rút” để hoàn thành các thủ tục triển khai đầu tư các dự án giao thông quan trọng trên địa bàn, trong đó có tuyến cao tốc quan trọng Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương.
Lâm Đồng là tỉnh phía Nam Tây Nguyên, với diện tích tự nhiên 9.781,2 km2, dân số khoảng 1.309.792 người, có 12 đơn vị hành chính gồm 10 huyện, 2 thành phố (Đà Lạt và Bảo Lộc), là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên không có đường biên giới; các sông suối nhỏ hẹp, có độ dốc lớn không thuận tiện cho giao thông đường thủy; đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt chưa được khôi phục nên hiện nay giao thông đường bộ và đường hàng không của Lâm Đồng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Là một tỉnh miền núi với xuất phát điểm thấp và gặp rất nhiều khó khăn về giao thông do đặc thù địa hình đồi núi dốc, Lâm Đồng cũng gặp phải trở ngại lớn về ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông. Chính vì lẽ đó, mặc dù luôn xác định ưu tiên và tập trung nguồn lực cho công tác phát triển hạ tầng giao thông, nhưng hầu như vẫn chỉ có thể tập trung mạnh vào việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường bộ sẵn có để đảm bảo an toàn giao thông và triển khai xây dựng một số công trình cấp bách, quan trọng và tranh thủ sự quan tâm của Trung ương để đầu tư phát triển, mở rộng nâng cấp các tuyến giao thông liên tỉnh trong thời gian dài qua. Về giao thông đối ngoại, rất nhiều công trình, dự án các tuyến quốc lộ huyết mạch chạy qua địa bàn tỉnh mặc dù đã mong muốn được triển khai từ lâu nay nhưng mãi đến nhiệm kỳ này mới đủ điều kiện cần và đủ để triển khai thực hiện. Hiện nay, có một số tuyến giao thông quan trọng tỉnh đang dồn sức và lực sớm hoàn thiện các thủ tục để triển khai thực hiện là cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương; song song đó nâng cấp mở rộng các tuyến Quốc lộ 28B, đoạn đèo Mimosa…
Để đẩy nhanh đầu tư, nâng cấp, mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nói chung và hiện thực hóa mong đợi của đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua là sớm có đường cao tốc kết nối với các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ và các tỉnh lân cận; ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh Lâm Đồng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả trong quản lý và sử dụng đầu tư công, tập trung huy động cao nhất các nguồn lực để ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng.
Tỉnh đã chủ động kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án đầu tư Đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức đối tác công – tư, trong đó, nguồn vốn đối ứng của địa phương tham gia dự án là 4.500 tỷ đồng và đã được thống nhất bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Hiện nay, tỉnh đã hoàn thành hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đầu tư Đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, đã được Hội đồng Thẩm định liên ngành thông qua và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án làm cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Để xây dựng, mở rộng các tuyến cao tốc, quốc lộ ở một tỉnh miền núi như Lâm Đồng, ngoài khó khăn trong kêu gọi đầu tư, chọn lựa nhà đầu tư lớn, có năng lực và dám đầu tư vào một tỉnh miền núi thì còn gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc phóng tuyến, mở rộng đường qua các cung đường đèo liên quan đến rừng, đến đất rừng nên có những quy định rất nghiêm ngặt. Quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất liên quan từ cấp tỉnh đến nhiều bộ, ngành Trung ương. Khi triển khai thực hiện, phương án chuyển đổi diện tích đất rừng bao nhiêu, khu vực nào… đều phải được tính toán chi tiết, tối ưu, việc chuyển đổi phải cân nhắc làm sao để không tác động lớn đến môi trường, đồng thời đảm bảo tiến độ, tính khả thi của dự án.
Đối với hệ thống giao thông đối nội, suốt giai đoạn qua, tỉnh tập trung huy động các nguồn vốn ngân sách Trung ương, Trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp mở rộng hàng ngàn km đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị và nhiều công trình giao thông quan trọng khác. Toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 7.480 km đường huyện, xã và đường giao thông nông thôn (trong đó khoảng 6.313 km được cứng hóa, đạt tỉ lệ 84%, kinh phí đầu tư khoảng 5.862 tỷ đồng); có 111/111 xã có đường giao thông đến trung tâm xã, đạt tỷ lệ 100%; 111/111 xã đạt tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí nông thôn mới. Tỉnh cũng đã ưu tiên triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội thị tại các địa phương, quan tâm đầu tư hệ thống đường vành đai đô thị, đường tránh đô thị để đảm bảo việc mở rộng không gian đô thị, vừa thực hiện giải pháp chống ùn tắc trong khu vực đô thị, vừa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Ngoài ra, tỉnh đã tập trung cân đối bố trí khoảng 4.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 – 2025 để ưu tiên hoàn thiện hệ thống đường tỉnh, đường vành đai, mở rộng đèo Prenn, đường tránh đô thị, các tuyến đường đô thị tại TP Đà Lạt và Bảo Lộc, kiên cố các cầu trên đường tỉnh… theo hướng tháo gỡ, giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, mở rộng liên kết giao thông vùng huyện, liên kết đô thị, kết nối khu kinh tế, khu công nghiệp và bảo đảm đồng bộ quy mô hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Sân bay Liên Khương đã trở thành sân bay đẹp và lớn nhất vùng Tây Nguyên; đồng thời đã mở mới các đường bay kết nối đến nhiều tỉnh trong nước và quốc tế.
Có thể thấy rằng, rất nhiều dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đã và sẽ sớm được triển khai, diện mạo về giao thông của tỉnh Lâm Đồng chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi rất lớn trong vài năm tới. Khi đó, các tuyến đường tỉnh, liên tỉnh, các tuyến đường vành đai cùng với 2 Dự án Cao tốc quan trọng là Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương dự kiến cũng sớm khởi công sẽ đảm bảo tính kết nối với các tỉnh, với các vùng kinh tế trọng điểm, tạo ra động lực lớn để kinh tế – xã hội của tỉnh Lâm Đồng phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
NGUYỄN NGHĨA