Icon Search
Icon Collap

Xu hướng lên sàn của các doanh nghiệp BĐS đang gia tăng mạnh.

Chuyên mục: Tin tức - Ngày đăng: 10/10/2018 - Đăng bởi:

Á Châu Land – Việc niêm yết trên sàn chứng khoán mang tới nhiều cơ hội hơn trong việc huy động vốn dài hạn giá rẻ cho các doanh nghiệp địa ốc. Chính vì thế, trong bối cảnh ngân hàng siết cho vay BĐS, xu hướng lên sàn của các doanh nghiệp BĐS đang gia tăng mạnh.

xu huong len san cua cac doanh nghiep bds dang gia tang manh 1 - Xu hướng lên sàn của các doanh nghiệp BĐS đang gia tăng mạnh.

Thông tư 19/2017 của Ngân hàng Nhà nước quy định kể từ ngày 1/1/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, giảm từ 45% trong năm 2018. Bên cạnh đó, thông tư 19 cũng tăng hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.

Động thái này cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đang siết mạnh tín dụng cho BĐS. Bối cảnh này buộc các doanh nghiệp BĐS phải tìm nhiều cách khách nhau để có nguồn vốn phát triển các dự án, hạn chế sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Một trong những cách hiệu quả nhất là tìm đến sàn chứng khoán.

Thực tế đã chứng minh, trong bối cảnh thị trường BĐS đang phát triển ổn định, với các dự án lớn, uy tín, chủ đầu tư  hoàn toàn có thể quy đổi dự án sang cổ phiếu và mang lên sàn để huy động vốn.

Cụ thể, trong năm 2017, đã có 11 doanh nghiệp bất động sản lên sàn chứng khoán. Có thể kể đến những cái tên nổi bật như Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE), Công ty cổ phần Đầu tư Everland (EVG), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sài Gòn Co.op (SID), Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung (LEC), Công ty cổ phần Kosy (KOS)…

Trong 10 tháng đầu năm 2018, làn sóng lên sàn của các doanh nghiệp BĐS tiếp tục lan mạnh. Hàng loạt tên tuổi lớn như Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup, Net Land, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest (VPI), Đạt Phương, Hải Phát, Công ty Cổ phần Địa ốc First Real, CENLand (thuộc CENGroup)…cũng đã chính thức lên sàn.

Dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm hàng loạt doanh nghiệp BĐS khác lên sàn như Mbland, Bimgroup, Hưng Thịnh Construction…Trong số các doanh nghiệp lên sàn vào cuối năm, đáng chú ý là Công ty Cổ phần Landmark Holding. Ngày 12/10 tới doanh nghiệp này sẽ chính thức giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã chứng khoán LMH. Theo đó, tổng lượng cổ phiếu niêm yết là 23,3 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 11.200 đồng/cổ phiếu và biên độ giá dao động trong ngày giao dịch đầu tiên là +/- 20%.

Được biết, Landmark Holding tiền thân là Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí Thăng Long, sau hơn 6 năm phát triển, Landmark Holding đã chuyển đổi thành mô hình Holding với định hướng chính là đầu tư vào thị trường bất động sản. Hiện Landmark Holding đang triển khai dự án như Manhattan Tower (21 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội, chuẩn bị khởi công dự án số 9 Mạc Đĩnh Chi (phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM)…cùng với đó là kế hoạch M&A hàng loạt dự án trên đất vàng Hà Nội, TPHCM.

Đánh giá về xu hướng lên sàn của các doanh nghiệp BĐS hiện nay, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM việc tìm kiếm nguồn vốn qua kênh chứng khoán được đánh giá là phương án khả thi. Tại nước ngoài, đây là nguồn vốn rất được các doanh nghiệp quan tâm do có sự ổn định trong dài hạn và có mức độ linh hoạt hơn rất nhiều so với vay vốn ngân hàng. Chưa kể, chi phí từ việc huy động vốn trực tiếp trên thị trường chứng khoán cũng rẻ hơn tương đối.

“Tại Việt Nam, việc các doanh nghiệp BĐS lên sàn không chỉ là bước tiến dài của doanh nghiệp ngành xây dựng –  BĐS, mà còn cho thấy cánh cửa sáng trong việc gọi vốn phát triển dự án BĐS thông qua thị trường chứng khoán của nhiều doanh nghiệp khác. Đây là hướng đi phù hợp và hiệu quả nhằm khẳng định uy tín thương hiệu, tính minh bạch và giải trình, tạo điều kiện huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng”, ông Châu khẳng định.

Đồng quan điểm với ông Châu, ông Sử Ngọc Khương, Giám Đốc Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, thị trường chứng khoán là một kênh để huy động vốn hiệu quả cho những doanh nghiệp muốn mở rộng và phát triển dự án. Bên cạnh đó, huy động vốn qua việc niêm yết cổ phần cũng là một cách hút vốn từ công chúng, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài một cách nhanh nhất và đang dần trở thành xu hướng của doanh nghiệp.

“Sự hiện diện của các quỹ đầu tư nước ngoài, các ngân hàng đầu tư đang ngày một phổ biến hơn trong cơ cấu cổ đông của những doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, khi mà nhà đầu tư tìm đến những doanh nghiệp niêm yết có uy tín để chọn mặt gửi vàng”, ông Khương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Khương, dòng vốn huy động được từ việc niêm yết trên sàn chứng khoán, đặc biệt là nguồn vốn từ nước ngoài sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh và phát triển dự án, giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô, phát triển bền vững hơn.

Tuấn Minh
Địa ốc Á Châu tổng hợp
Nguồn: http://cafef.vn

 

Chia sẻ: