Á Châu Land – Rào cản về pháp lý tiếp tục là những khó khăn, rào cản của thị trường BDS năm 2020. Điều này khiến nguồn cung BDS tại TP.HCM khan hiếm, giá bán tăng khiến người mua ở thực không có nhiều sự chọn lựa. Một công chức làm việc tại TP HCM gần 10 năm chị Hồ THị Thu Thủy ấp ủ kế hoạch mua nhà từ năm 2018. Không có nhu cầu đầu tư nên chị ít lưu tâm các biến động của thị trường, cho đến khi số tiền tích lũy đủ lớn chị mới bắt đầu tìm kiếm dự án phù hợp. Vào đầu năm 2019 chị đã choáng váng khi nhìn thấy xu hướng tăng giá chóng mặt của chung cư tại TP.HCM. Ban đầu chị dự định mua một căn hộ 2 phòng ngủ khoảng 70m2 tại một dự án trung cấp, nhưng khi chính thức đi tìm hiểu mới thấy tài chính của mình không đủ cho căn nhà gần trung tâm, thậm chí một căn cùng diện tích ở khu vực xa nội thành như quận 9 cũng không đủ. Cùng tâm trạng lo lắng trên, anh Nguyễn Vũ Tiến, một viên chức làm việc tại quận 3 cho biết, theo giới thiệu của người quen anh có tìm hiểu một dự án đang chào bán hiện hữu có giá từ 1,2 tỷ đổ lại nằm giáp ranh Bình Dương. Tuy nằm ở khu vực khá xa trung tâm TP.HCM nhưng dự án này hiện có giá thấp nhất là 1,2 tỷ với căn 49m2 và phải mua chênh lại với mức thấp nhất hiện tại gần 150 triệu/căn. Các khu vực gần thành phố hơn giá không căn nào thấp hơn 32 triệu/m2, còn nếu là khu vực cận trung tâm thì giá lên từ 50-60 triệu/m2. “Tôi cũng có nhắm đến dự án NOXH quảng cáo trên thị trường nhưng hầu hết chỉ là dự án quảng cáo cho có. Nhiều dự án NOXH còn cho biết có khi phải 3-4 năm nữa mới triển khai. Không chỉ là giá tăng mà giờ tìm được dự án mới chào bán cũng khó, còn mua lại các dự án hiện hữu thì phải thanh toán một khoản tiền khá lớn trong khi tôi chỉ đủ khả năng mua các dự án thanh toán theo tiến độ”, anh Tiến chia sẻ. Nhìn nhận về nguồn cung BĐS tại TP.HCM trong năm 2020, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cao cấp CBRE Việt Nam cho rằng, khó có đột phá nguồn cung mới. Ít nhất là đến cuối năm 2020 vấn đề cấp phép cho dự án BĐS mới có thể được giải quyết, trong thời gian đó, giao dịch của thị trường sẽ vẫn rơi vào nguồn hàng thứ cấp hiện hữu. Năm 2020 sẽ là năm khó khăn cho người mua ở thực, việc sở hữu sản phẩm tại thị trường sơ cấp sẽ không dễ dàng. Người mua có thể vẫn có nguồn hàng để giao dịch vì nguồn cung căn hộ thứ cấp vẫn còn rất nhiều nhưng sẽ phải chi trả thêm khoản chênh lệch. Diễn biến này bất lợi với người mua nhưng sẽ có lợi cho những nhà đầu tư đang sở hữu dự án. Bà Dung chia sẻ: “Các dự án thứ cấp đều có điểm chung là bên cạnh mức mua chênh theo giá thị trường, người mua buộc phải thanh toán trước một khoản chi phí khá cao theo tiến độ trước đó. Các dự án hoàn thiện thì phải thanh toán gần như 100% giá trị căn hộ nên gây áp lực không nhỏ với nhiều khách mua chưa có chuẩn bị tài chính. Người mua ở thực thường trông đợi vào giải pháp hỗ trợ tài chính từ CĐT nên nhu cầu mua thường nhắm đến các dự án đang triển khai. Trong năm nay, lượng dự án mới khó bùng nổ nếu không muốn nói sẽ tiếp tục khan hiếm, không còn nhiều lựa chọn cho người mua thực ở thị trường sơ cấp”. Theo bà Dung, trong năm 2019, việc chậm cấp phép mới và cấp phép sửa đổi các dự án bị kéo dài lâu hơn dự kiến dẫn đến các kế hoạch triển khai sản phẩm gặp nhiều trở ngại đã khiến nguồn cung chào bán toàn thị trường sụt giảm rõ nét. Toàn năm 2019 chỉ có 36 dự án được cấp phép chào bán mới, giảm gần 50% so với nguồn cung năm 2018. Sự thiếu hụt nguồn cung sơ cấp đang tạo đà đẩy giá bán ở thị trường thứ cấp tăng mạnh. Hiện nay, hầu hết các dự án căn hộ đang triển khai từ 2018 đều có giá thứ cấp tăng thêm ít nhất 15-20%, trong khi mức giá chào bán sơ cấp cũng tăng trung bình 10 -15%. Người mua nhà để ở trong năm 2020 sẽ phải chấp nhận mua lại dự án cũ với giá chênh lệch và dịch chuyển ngày càng xa trung tâm, ra vùng giáp ranh hay các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh. Một phương án khác là chờ đợi nguồn cung mới vào cuối năm nay, đầu năm sau.