Á Châu Land – Khi hoàn thành, tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu không chỉ giảm tải cho quốc lộ 51 mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có văn bản đồng ý đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Theo đó, Chính phủ đồng ý cho UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong quá trình triển khai dự án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 2016 về quy hoạch phát triển đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tổng chiều dài toàn tuyến 77,8km. Bộ Giao thông vận tải chia dự án làm 2 thành phần. Thành phần 1 từ TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đến TX. Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) có tổng chiều dài tuyến 46,8km.
Điểm đầu của thành phần 1 giao với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP. Biên Hòa, cách ngã tư Vũng Tàu 6,5km về phía bắc, điểm cuối kết nối nhánh đường vào Cảng Cái Mép – Thị Vải, chiều dài đoạn qua tỉnh Đồng Nai 34,2km và 12,6km chạy qua Bà Rịa – Vũng Tàu (gồm 3,8km đường cao tốc và 8,8km tuyến nhánh nối vào Cảng Cái Mép – Thị Vải). Dự án thành phần 2 từ TX. Phú Mỹ đến TP. Vũng Tàu (31km).
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được triển khai sẽ tạo ra một tuyến kết nối giao thông kết nối quan trong trong vùng kinh tế Đông Nam Bộ. Cụ thể, tuyến đường sẽ kết nối đô thị lớn nhất cả nước là TP. HCM với địa phương đầy tiềm năng về du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu.
Điều này tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng.