Icon Search
Icon Collap

Tình hình đầu tư bất động sản công nghiệp tại Việt Nam diễn biến rất phức tạp

Chuyên mục: Tin tức - Ngày đăng: 23/11/2018 - Đăng bởi:

Á Châu LandTheo ý kiến của một nhà đầu tư cá nhân, kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra, tình hình đầu tư bất động sản công nghiệp tại Việt Nam diễn biến rất phức tạp, thị trường nóng lên theo chiều hướng xấu, đặc biệt là ở khu vực tứ giác phát triển phía Nam: TP.HCM – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu.

tinh hinh dau tu bat dong san cong nghiep tai viet nam dien bien rat phuc tap 1 - Tình hình đầu tư bất động sản công nghiệp tại Việt Nam diễn biến rất phức tạp

Theo ông Thắng, từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra, tình hình đầu tư bất động sản công nghiệp tại Việt Nam diễn biến rất phức tạp, thị trường nóng lên theo chiều hướng xấu.

Tại Lễ ra mắt Hội Môi giới Bất động sản tại TP.HCM mới đây, ông Thắng, một nhà đầu tư bất động sản công nghiệp nêu ý kiến rằng lĩnh vực đầu tư bất động sản công nghiệp (Cụm công nghiệp, Khu công nghiệp, nhà máy công nghiệp…) hiện đang có quá nhiều rủi ro. Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra, tình hình đầu tư bất động sản công nghiệp diễn biến cực xấu.

Nhà đầu tư cá nhân này đánh giá: “Tôi làm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản công nghiệp 4 năm nay, mọi việc rất bình ổn, phát triển tốt, nhưng thời gian gần đây hoạt động đầu tư gần như bị khủng hoảng. Thị trường Bất động sản công nghiệp đang “nóng” lên theo chiều hướng xấu”.

Ở phía Nam, khu tứ giác công nghiệp mạnh nhất là TP.HCM – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu, 4 địa phương này thu hút đầu tư bất động sản công nghiệp rất lớn.

Theo ông Thắng: “Quỹ đất bất động sản công nghiệp tại khu vực phía Nam tăng đột biến, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, thậm chí có cả nhà đầu tư Trung Quốc trá hình đầu tư dưới tên của người Việt Nam… kéo đến đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Ngoài tác động tích cực về phát triển, việc này đã tạo ra rất nhiều hệ lụy: giao thông không đáp ứng được nhu cầu, không có đường để đi; không đủ công nhân để làm việc… Sắp tới, nếu tình trạng này kéo dài sẽ tạo ảnh hưởng lớn về môi trường đầu tư và sự phát triển của toàn thị trường bất động sản công nghiệp nói chung”.

Trước những ý kiến của nhà đầu tư cá nhân nói trên, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá, hiện tại, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, chính sách “một Trung Quốc”… đều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của thị trường bất động sản sản xuất, kinh doanh.

tinh hinh dau tu bat dong san cong nghiep tai viet nam dien bien rat phuc tap 2 - Tình hình đầu tư bất động sản công nghiệp tại Việt Nam diễn biến rất phức tạp

Theo TS. Võ Trí Thành, các chủ đầu tư hiện nay thường muốn phát triển khu công nghiệp gắn với chuỗi sản xuất giá trị của họ, tức là tổ chức thành các “cụm liên kết ngành”.

“Việt Nam hiện nay có khoảng 200 – 300 khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy khoảng hơn 50%. Như vậy, nguồn cung thừa thì vẫn thừa mà thiếu thì vẫn thiếu. Khác với trước đây, hiện các chủ đầu tư thường muốn phát triển khu công nghiệp gắn với chuỗi sản xuất giá trị của họ, tức là tổ chức thành các “cụm liên kết ngành”. Vì vậy, không phải cứ làm khu công nghiệp là sẽ có nhà đầu tư đến thuê, khu công nghiệp ấy cần phải được đầu tư bài bản cả về hạ tầng để tạo được sự kết nối với khu vực…”, TS. Võ Trí Thành nói.

Hiện tại, đã có những khu công nghiệp như vậy bắt đầu hình thành ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… Các khu công nghiệp này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất điện tử, ô tô, xe máy…

Thành khẳng định: “Những vấn đề mà nhà đầu tư vừa nêu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thấy rất nhiều, thị trường bất động sản công nghiệp đang nóng như vậy nên rất cần Bộ phối hợp với các Bộ, ban ngành liên quan tiến hành quy hoạch rõ ràng, đặc biệt là ở khu vực tứ giác công nghiệp phía Nam”.

Vị chuyên gia này nhận định, cuộc chiến tranh thương mại không chỉ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản công nghiệp mà còn phần nào ảnh hưởng đến cả thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thông qua việc sụt giảm của lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt, từ tháng 8 đến nay, mức tăng trưởng của lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đã giảm mạnh rõ rệt.

Hiếu Quân
Địa ốc Á Châu tổng hợp
Nguồn: http://reatimes.vn

 

 

Chia sẻ: