Á Châu Land – Người sử dụng đất khi muốn làm sổ đỏ, tùy vào từng trường hợp được cấp sổ, tùy vào chi phí của từng tỉnh thành để quy ra tổng số tiền khác nhau. Khoản 3 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 quy định, người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Theo khoản 1 Điều 63 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, nghĩa vụ tài chính gồm: Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế có liên quan đến đất đai và lệ phí trước bạ; nghĩa vụ tài chính do cơ quan thuế xác định. Lưu ý, trường hợp được miễn, được ghi nợ nghĩa vụ tài chính và trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì được nhận Giấy chứng nhận ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền cấp. Tiền sử dụng đất khi làm sổ đỏ Theo khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất. Khoản 9 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định, nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định. Như vậy, chỉ một số trường hợp được cấp Giấy chứng nhận khi công nhận quyền sử dụng đất mới phải nộp tiền sử dụng đất. Khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai 2013 (hướng dẫn chi tiết tại Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP) quy định hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận và có thể phải nộp tiền sử dụng đất nếu đủ các điều kiện sau: + Đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai. + Nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch. Theo Điều 55 và điểm b khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất trong những trường hợp sau phải nộp tiền sử dụng đất khi được cấp Giấy chứng nhận, gồm: – Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở – Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê – Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê; – Tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng. Tiền thuê đất Theo Điều 56 và điểm b khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất phải trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả một lần cho cả thời gian thuê khi được cấp Giấy chứng nhận trong trường hợp được Nhà nước cho thuê đất. Lệ phí trước bạ Theo Điều 5, 6 Nghị định 140/2016/NĐ-CP (hướng dẫn chi tiết bởi Điều 3 Thông tư 301/2016/TT-BTC) đã được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP, lệ phí trước bạ khi cấp Giấy chứng nhận được quy định như sau: Lệ phí trước bạ = (Giá 1m2 đất tại Bảng giá đất x Diện tích) x 0.5% Giá đất tính theo Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ. Diện tích đất là toàn bộ diện tích đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức, cá nhân do văn phòng đăng ký đất đai xác định và cung cấp cho cơ quan thuế. Với hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, có thể tính theo công thức: Giá đất của thời hạn thuê đất tính lệ phí trước bạ = Giá đất tại Bảng giá đất/ 70 năm x Thời hạn thuê đất Áp dụng trong trường hợp đất thuê của Nhà nước theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà thời hạn thuê đất nhỏ hơn thời hạn của loại đất quy định tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành. Lệ phí cấp Giấy chứng nhận Theo khoản 5 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC, lệ phí cấp Giấy chứng nhận do HĐND cấp tỉnh quyết định nên mức thu từng tỉnh, thành có thể khác nhau. Trên đây là toàn bộ thông tin về các khoản chi phí phải nộp khi làm sổ đỏ năm 2020 trong các trường hợp công nhận quyền sử dụng đất như đất của cha ông để lại đã sử dụng lâu dài ổn định, đất khai hoang…, được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Các khoản tiền trên là nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất phải hoàn tất để có thể nhận được sổ đỏ. Những giấy tờ cần thiết để làm sổ đỏ năm 2020 Để làm sổ đỏ, người dân cần nộp 1 trong 3 bộ hồ sơ theo từng trường hợp cụ thể sau: Trường hợp 1, hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận (nếu có nhu cầu cấp sổ đỏ) – Đơn theo Mẫu số 04a/ĐK; – Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP với trường hợp đăng ký quyền sử dụng đất. – Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP với trường hợp đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gồm 2 trường hợp là nhà ở và công trình xây dựng khác không phải là nhà ở). Nếu muốn đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì người dân phải cung cấp sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (nếu trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng thì không phải cung cấp). – Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có). – Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất theo Mẫu số 08/ĐK (Đối với tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất từ trước ngày 01/7/2004). – Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế (với trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề). Trường hợp 2, hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (nếu chưa có nhu cầu cấp sổ đỏ) Nếu người sử dụng đất chỉ thực hiện thủ tục đăng ký đất đai mà chưa có nhu cầu cấp sổ đỏ thì hồ sơ gồm các giấy tờ sau: – Đơn theo Mẫu số 04a/ĐK; – Bản sao một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP nếu đăng ký quyền sử dụng đất. – Bản sao một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP nếu đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. – Bản sao chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có). Lưu ý: Nếu đã đăng ký đất đai theo hồ sơ trên mà có nhu cầu được cấp sổ đỏ thì người sử dụng đất chỉ phải nộp thêm đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK. Trường hợp 3, hồ sơ trong trường hợp người sở hữu nhà không phải chủ đất Đây là hồ sơ dùng trong trường hợp người sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất (ví dụ cha mẹ cho con xây nhà nhưng không sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho con). Hồ sơ gồm có: – Đơn theo Mẫu số 04a/ĐK. – Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. – Sơ đồ về tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã có sơ đồ tài sản phù hợp với hiện trạng). – Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về tài sản gắn liền với đất (nếu có). – Văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng công trình đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Địa chỉ nộp các hồ sơ trên là tại Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh cấp huyện, bộ phận một cửa hoặc UBND cấp xã (với hộ gia đình, cá nhân); tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh (với cơ quan, tổ chức).