Á Châu Land – Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây sẽ bàn giao mặt bằng trong quý I/2020, được kỳ vọng thúc đẩy phát triển hạ tầng và bất động sản trong khu vực.
Là dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc Nam, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được Chính phủ đưa vào danh mục quan tâm đặc biệt. Trong thời gian từ đầu năm đến nay, lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có nhiều buổi làm việc với chính quyền 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận nhằm đôn đốc công tác chuẩn bị mặt bằng cho dự án. Tính đến thời điểm hiện tại, trung ương đã bố trí 1.144 tỷ đồng cho Bình Thuận và hơn 600 tỷ đồng cho Đồng Nai để tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng. Đại diện 2 tỉnh đều cam kết sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư chậm nhất đến quý I/2020, để kịp khởi công xây dựng dự án sớm nhất có thể. Theo các chuyên gia, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đi vào hoạt động sẽ giúp Kê Gà trở thành điểm đến hút khách mới của Bình Thuận, thay vì chỉ Mũi Né – Phan Thiết như trước nay. Cú hích hạ tầng Sở hữu bãi biển đẹp hoang sơ và ngọn hải đăng cao nhất và cổ nhất Đông Nam Á, mũi Kê Gà nổi tiếng là nơi đón ánh bình minh đầu tiên tại phía Nam Bình Thuận. Nhưng nhiều năm nay, địa danh này luôn phải ở thế yếu so với vùng biển Mũi Né – Phan Thiết. “Lâu nay khi nói đến bất động sản Bình Thuận, chúng ta chỉ nói đến Phan Thiết. Nhưng tôi tin rằng, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đi vào hoạt động sẽ tạo ưu thế cạnh tranh cho Kê Gà so với những khu vực còn lại của tỉnh Bình Thuận nói chung, đặc biệt là Mũi Né – Phan Thiết”, ông Khương nhận định.Theo tiến sĩ Sử Ngọc Khương – Thành viên Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế Ứng dụng, Mũi Né – Phan Thiết có khởi đầu tốt là do khu vực này đã hình thành nên các khu dân cư đông đúc và hạ tầng phát triển. Tuy nhiên, ông cho rằng, thế cạnh tranh này sẽ nhanh chóng có sự chuyển biến, trước loạt dự án hạ tầng trọng điểm chuẩn bị đi vào hoạt động ở khu vực phía Nam, đặc biệt là cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. “Cao tốc này hiện đã xây dựng đến Dầu Giây và giúp bất động sản khu vực này có những bước phát triển rất đáng ghi nhận. Đoạn còn lại tôi nghĩ, với sự quyết tâm của Chính phủ thì trong thời gian tới sẽ đi vào hoạt động sớm”, ông Khương chia sẻ.Cũng theo ông Khương, cán cân cạnh tranh giữa bất động sản Kê Gà và Phan Thiết sẽ giống như câu chuyện mà thị trường bất động sản Việt Nam đang chứng kiến tại khu vực miền Trung hiện nay. Nếu như trước đây, Đà Nẵng – Nha Trang gần như giữ vị trí nổi trội hoàn toàn, thì hiện tại khu vực đã hình thành những điểm nóng mới như Tuy Hòa (Phú Yên), Quy Nhơn (Bình Định) nhờ sự ra đời của các công trình quan trọng như hầm chui Đèo Cả, hầm đường bộ Cù Mông… Với Kê Gà, sự vươn lên của bất động sản vùng duyên hải này được dự báo sẽ còn nhanh hơn các thành phố nói trên, nhờ thừa hưởng cơ sở hạ tầng của Phan Thiết cũng như giao thông kết nối khu vực, trong dài hạn là sân bay quốc tế Long Thành và ngắn hạn là cao tốc nối liền TP HCM – Phan Thiết. Ngoài ra, địa ốc Kê Gà còn được hỗ trợ bởi nhiều dự án hạ tầng sắp triển khai. Đầu tiên là sân bay Phan Thiết quy mô hơn 10.000 tỷ đồng – một trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung. Sân bay quốc tế Long Thành cũng đang gấp rút chuẩn bị để đảm bảo khởi công dự án vào cuối năm 2020 và đưa vào khai thác từ năm 2025, với công suất 100 triệu hành khách mỗi năm. Mới đây, tỉnh Bình Thuận cũng đã có bước chuẩn bị đầu tư thêm 2 tuyến đường trọng điểm và cấp bách kết nối với Kê Gà. Đó là đường ĐT719B Phan Thiết – Kê Gà (dài 25,4km, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng) và đường ĐT719 Kê Gà – Tân Thiện (dài 32,4km, vốn đầu tư 600 tỷ đồng). Lợi thế khu vực Thực tế, không phải đợi đến khi cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được quy hoạch, khu vực Kê Gà mới có các nhà đầu tư chú ý. Từ những năm 2000, UBND tỉnh Bình Thuận đã phát động kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư tại 3 xã liền kề gồm Tiến Thành (thành phố Phan Thiết) và Thuận Quý, Tân Thành (khu vực biển Kê Gà, Hàm Thuận Nam) để hình thành cụm du lịch làm động lực phát triển kinh tế phía Nam Bình Thuận. Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, với kỳ vọng biến vùng biển đẹp kéo dài hơn 30km này thành trung tâm resort của tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, các chủ trương đầu tư đã phải dừng lại khi có quy hoạch xây dựng cảng Kê Gà. Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hủy bỏ quy hoạch cảng Kê Gà và chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận vận động các doanh nghiệp trở lại, tiếp tục hồi sinh các dự án resort dang dở. Nỗ lực của chính quyền địa phương từng bước giúp khu vực lấy lại danh hiệu “thủ phủ du lịch mới” của tỉnh, bên cạnh Mũi Né – Phan Thiết. Tính đến cuối tháng 7 vừa qua, Hàm Thuận Nam đón trên 210.000 lượt khách đến tham quan – nghỉ dưỡng, trong đó có trên 28.000 lượt khách quốc tế, tăng 1.800 lượt so với cùng kỳ, tổng doanh thu đạt 91 tỷ đồng. Toàn huyện có đến 78 dự án phát triển du lịch được UBND tỉnh chấp nhận đầu tư còn hiệu lực, tập trung chủ yếu tại Kê Gà. Trong đó, có 22 dự án đang hoạt động kinh doanh thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước và 30 dự án đang triển khai xây dựng hạ tầng, khu nghỉ dưỡng. Sở hữu lợi thế khí hậu nắng ấm, lộng gió quanh năm cùng địa hình có độ dốc vừa phải, thoai thoải, phù hợp với các hoạt động vui chơi, thể thao biển, Kê Gà được tỉnh Bình Thuận định hướng trở thành một trong những điểm phát triển loại hình du lịch gắn với thể thao biển. Các dự án theo hướng này nhận sự ủng hộ về chủ trương cũng như chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh.