Năm 2023, khu vực Tây Nguyên dự kiến có 3 tuyến cao tốc được khởi công gồm Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột; Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương. Ngoài ra, tuyến Quy Nhơn – Pleiku đang được lập phương án đầu tư và 2 tuyến khác đang xúc tiến các thủ tục.
Tây Nguyên có diện tích tự nhiên hơn 54.000 km2, bao gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Khu vực Tây Nguyên còn được mệnh danh là “Nóc nhà của Đông Dương” với địa hình đặc trưng là các cao nguyên, vùng núi và thung lũng, có lợi thế để phát triển nông, lâm nghiệp quy mô lớn. Tuy nhiên, hạ tầng còn nhiều bất cập và kết nối vùng còn yếu kém, các trục ngang kết nối có mật độ thấp, quy mô nhỏ, đèo dốc quanh co…
Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (tổ chức vào tháng 11/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, điểm nghẽn hạ tầng là một trong những yếu tố khiến cho Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với vị trí chiến lược của mình.
Đến nay, Tây Nguyên chỉ có 19 km đường cao tốc (đường Liên Khương – Prenn) và 3.114 km đường quốc lộ nối liền với các tỉnh Duyên hải miền Trung, các cảng biển, Đông Nam Bộ thông các trục dọc: QL14, QL14C, đường Trường Sơn Đông, các trục ngang: QL19, QL20, QL24, QL25, QL26, QL27, QL28, QL28B, QL29 và thông thương với Đông Bắc Campuchia và Nam Lào qua các tuyến QL18B, 78…
Để nâng cấp hệ thống hạ tầng cho Tây Nguyên, tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó có 11 tuyến cao tốc liên quan đến khu vực Tây Nguyên (gồm 4 tuyến đối nội và 7 tuyến đối ngoại).
Các tuyến cao tốc đối ngoại bao gồm: Cao tốc Quy Nhơn – Pleiku – Lệ Thanh (230 km); Đà Nẵng – Thạch Mỹ – Ngọc Hồi – Bờ Y (281 km); Phú Yên – Đắk Lắk (220 km); Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột (130 km); Nha Trang – Liên Khương (85 km); Dầu Giây – Liên Khương (220 km) và Gia Nghĩa – Chơn Thành (140 km)
Còn các tuyến cao tốc đối nội sẽ có Cao tốc Liên Khương – Buôn Ma Thuột (115 km); Pleiku – Buôn Ma Thuột (160 km); Ngọc Hồi – Pleiku (90 km) và Buôn Ma Thuột – Gia Nghĩa (105 km).
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên là khoảng 156.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 sẽ bố trí hơn 28.000 tỷ đồng để triển khai 4 tuyến cao tốc có tính chất liên vùng.
Năm 2023, một số tuyến cao tốc nói trên sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn khởi động, hứa hẹn sẽ là một năm chuyển mình về hạ tầng của Tây Nguyên.
Khởi công tuyến Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột trước 30/6
Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) dài hơn 117 km, kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng.
Điểm đầu dự án tại nút giao giữa quốc lộ 26B và quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại vị trí giao cắt tại đường Hồ Chí Minh tránh phía đông TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Vào tháng 9/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch triển khai Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1. Theo đó, sẽ hoàn thành phê duyệt các dự án thành phần được phân cấp trước ngày 20/1/2023.
Trước 30/6, tỉnh đặt mục tiêu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp để khởi công và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12. Hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn trong năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Về phía Khánh Hoà, tỉnh này hiện đã hoàn tất việc khảo sát địa hình cho cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột, trước ngày 30/6 sẽ bàn giao 70% mặt bằng để tổ chức khởi công; trước ngày 31/12 sẽ bàn giao phần diện tích còn lại.
Tại văn bản trả lời cử tri Đắk Lắk mới đây, Bộ GTVT cho biết đã ưu tiên cân đối vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 để khởi công cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột.
Cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư hơn 12.906 tỷ đồng. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch khoảng 646 ha. Đường sẽ có 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Trên tuyến có 4 nút giao liên thông, 6 nút giao trực thông; 13 cầu vượt sông, suối; 11 cầu vượt nút giao.
Tuyến Tân Phú – Liên Khương hoàn tất các thủ tục trong quý II
Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương là hai đoạn cao tốc thành phần, nằm trong tổng thể tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương. Lâm Đồng đang đẩy nhanh tiến độ để khởi công cả hai đoạn tuyến này trong năm 2023 và đưa vào khai thác từ 2026.
Cụ thể, trong tháng 2 này tỉnh sẽ thành lập Ban chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng; tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí đầu tư.
Tiếp đó, trước ngày 30/6 sẽ xây dựng quy định quản lý, sử dụng quỹ đất dọc tuyến cao tốc có tính kết nối giao thông vào hệ thống đường gom và các nút giao liên thông với đường cao tốc trước ngày 30/6.
Dự kiến, ngay trong quý II năm nay sẽ hoàn thành các quy trình, thủ tục triển khai dự án, đề xuất các mỏ vật liệu, chuyển đổi đất rừng,…
Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66 km, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng. Còn cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương có tổng chiều dài gần 74 km, tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 19.500 tỷ đồng.
Đang xúc tiến để sớm triển khai thêm 2 tuyến
Bên cạnh 3 tuyến cao tốc nói trên, tỉnh Bình Định đang đẩy nhanh tiến độ các thủ tục để triển khai dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.
Vào tháng 11/2022, Bình Định đã giao Sở GTVT triển khai việc lập phương án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, đoạn qua địa phận tỉnh; đồng thời thành lập Tổ công tác nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư dự án. Mới đây nhất ngày 17/1, phía Gia Lai đã có dự thảo văn bản gửi Bình Định để kiến nghị điều chỉnh hướng tuyến cao tốc.
Tại văn bản trả lời kiến nghị cử tri Bình Định mới đây, Bộ GTVT cho biết, cao tốc Quy Nhơn – Pleiku trên thực tế có tiến trình đầu tư sau năm 2030. Song, Bộ bày tỏ sự thống nhất về việc sớm triển khai xây dựng tuyến cao tốc này, ưu tiên phương án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để huy động tối đa mọi nguồn lực.
Tuyến Quy Nhơn – Pleiku là đoạn tuyến nằm trong cao tốc Quy Nhơn – Pleiku – Lệ Thanh với tổng chiều dài 230 km, đây là một cao tốc trục ngang của khu vực Tây Nguyên.
Còn ở trục dọc, có một tuyến cao tốc khác cũng đang đẩy nhanh xúc tiến là tuyến Gia Nghĩa – Chơn Thành. Hiện nay dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Bình Phước thực hiện theo hình thức PPP, song đang gặp vướng mắc về vốn.
Cụ thể, khái toán tổng vốn dự án này là 29.888 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia 9.800 tỷ đồng, còn lại vốn của nhà đầu tư (liên danh Vingroup – Techcombank) khoảng 20.088 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay nhà đầu tư cho biết chỉ bố trí được khoảng 16.000 tỷ đồng.
Về việc này, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng kiến nghị của Bình Phước về việc trung ương hỗ trợ số vốn 5.800 tỷ đồng cũng như kiến nghị cho phép tỉnh áp dụng một số cơ chế đặc thù khi thực hiện dự án.
Theo: Dùng vốn kinh doanh