Icon Search
Icon Collap

Bất động sản sẽ là trọng tâm thu hút dòng vốn ngoại.

Chuyên mục: Tin tức - Ngày đăng: 18/10/2018 - Đăng bởi:

Á Châu LandUBND TP.HCM đặt mục tiêu thu hút 24 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2018 – 2022. Trong đó, theo các chuyên gia, bất động sản sẽ là trọng tâm thu hút dòng vốn ngoại.

bat dong san se la trong tam thu hut dong von ngoai 1 - Bất động sản sẽ là trọng tâm thu hút dòng vốn ngoại.

Những tòa nhà văn phòng cho thuê tại TP.HCM đang là món hàng được nhiều nhà đầu tư ngoại nhắm tới

Vốn FDI chảy mạnh vào TP.HCM

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành nguồn lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Thành phố trong những năm qua.

Theo đó, dòng vốn FDI giúp cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại, kinh nghiệm, chuyên môn để phát triển công nghệ nội địa. Dòng vốn này cũng giúp phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, thúc đẩy xuất nhập khẩu và tiếp cận với thị trường thế giới, tạo lên kết với các ngành công nghiệp.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện TP.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Cụ thể, tính lũy kế đến tháng 8/2018, TP.HCM đã thu hút 8.110 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 47 tỷ USD, bình quân mỗi năm tăng 12,3% về số dự án và tăng 46,12% về vốn đầu tư.

Ngoài nguồn vốn đầu tư trực tiếp, những năm gần đây, hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước (M&A) bắt đầu tăng vọt, dần dần chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 chiếm 5,4%, năm 2016 chiếm 48,6%, năm 2017 chiếm 49%), trở thành xu hướng mới của dòng vốn FDI.

Cụ thể, trong giai đoạn năm 2015 – 2017, TP.HCM đã chấp thuận cho 4.682 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn đăng ký tương đương 5,32 tỷ USD (chiếm 35,1% tổng vốn đàu tư giai đoạn 2015 – 2017).

Với những đóng góp quan trọng của dòng vốn FDI với sự phát triển chung của kinh tế – xã hội TP.HCM trong những năm qua, ông Liêm cho biết, trong nhiệm vụ năm 2018 – 2022, Thành phố tiếp tục đặt mục tiêu lớn về thu hút vốn FDI để tạo nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Theo đó, phấn đấu trong giai đoạn 2018 – 2022, tổng vốn đầu tư FDI thu hút khoảng 575.442 tỷ đồng (tương đương 24 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 20,1% tổng vốn dầu tư toàn xã hội

“Thành phố sẽ huy động tối đa và hiệu quả nguồn vốn FDI trong mọi lĩnh vực, tạo động lực cho sự phát triển toàn diện và bền vững của Thành phố. Nâng cao chất lượng và phát triển hài hòa cả về chiều rộng và chiều sâu, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Thành phố, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố”, ông Liêm nói.

bat dong san se la trong tam thu hut dong von ngoai 2 - Bất động sản sẽ là trọng tâm thu hút dòng vốn ngoại.

Với 7 chương trình đột phá, trong đó có chương trình di dời nhà trên và ven kênh, rạch đang tạo dư địa lớn cho cơ hội đầu tư bất động sản. 

Cũng theo ông Liêm, để thực hiện việc hút vốn FDI, Thành phố sẽ khẩn trương củng cố cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đầu mối được giao thu hút đầu tư FDI của Thành phố như Ban Quản lý khu công nghệ cao, Ban Quản lý khu công nghiệp, Khu chế xuất, Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm… để tiến hành rà soát lại các mục có khả năng đầu tư, có giải pháp thu hút đầu tư đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên, mở rộng diện tích, đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt cho nhà đầu tư.

Thành phố cũng sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đảm bảo minh bạch, thông thoáng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, hỗ trợ toàn diện các yếu tố cơ bản để phát triển doanh nghiệp.

Bất động sản sẽ là “thỏi nam châm”

Theo đánh giá của giới phân tích, mục tiêu thu hút FDI của TP.HCM trong giai đoạn 2018 – 2022 là khả thi, bởi kinh tế Việt Nam đang phát triển ổn định, môi trường đầu cư ngày càng cải thiện, chính trị ổn định, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Trong đó, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, với nhiều chương trình sẽ được triển khai, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua việc trao cho TP.HCM cơ chế đặc thù và Thủ tướng Chính phủ thông qua Điều chỉnh quy hoạch Vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nên vẫn sẽ là địa phương có sức hút lớn nhất cả nước với dòng vốn FDI.

Trong các lĩnh vực thu hút dòng vốn ngoại trên địa bàn Thành phố, bất động sản được đánh giá tiếp tục là “thỏi nam châm” hút dòng vốn này.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, những năm gần đây, bất động sản luôn là lĩnh vực thu hút vốn ngoại lớn nhất trong các ngành, nghề thu hút vốn ngoại của TP.HCM. Đây là dấu hiệu tích cực, giúp bổ sung thêm nguồn vốn quan trọng cho doanh nghệp bất động sản trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng cho bất động sản đang ngày một siết chặt.

Cụ thể, năm 2015, bất động sản TP.HCM thu hút 1,497 tỷ USD vốn FDI, chiếm 53,3% tổng vốn FDI đăng ký vào Thành phố, năm 2016 đạt 1 tỷ USD, năm 2017 đạt 1,01 tỷ USD. 9 tháng đầu năm 2018, TP.HCM thu hút 5,47 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (cả cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần), tăng 50% so với cùng kỳ. Trong đó, góp vốn mua cổ phần có 4,28 tỷ USD đăng ký, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Trong số vốn khối ngoại đăng ký thông qua góp vốn, mua cổ phần, thì lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất (47,3%).

Lý giải việc dòng vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản TP.HCM, ông Châu cho rằng, điều này là do có những thay đổi về chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhà ở.

Theo đó, các sắc luật sửa đổi đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh bất động sản tương tự nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài được tham gia vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là chính sách cho cá nhân nước ngoài sau khi nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại ngoài khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Trong đó, thị trường bất động sản TP.HCM là thị trường phát triển mạnh nhất của Việt Nam và dư địa để thị trường phát triển còn rất lớn, đặc biệt là TP.HCM đang triển khai 7 chương trình đột phá, mà các chương trình này đều liên quan trực tiếp tới bất động sản, như giãn dân, giảm ùn tắc giao thông, di dời nhà ven kênh, chỉnh trang đô thị với việc di dời, xây mới chung cư cũ, xây dựng đô thị thông minh, phát triển nhà ở xã hội…

Đánh giá về triển vọng dòng vốn ngoài vào bất động sản Việt Nam, đại diện Công ty JLL cho biết, đang có hàng trăm triệu USD sẵn sàng đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam. Trong đó, hoạt động M&A sẽ tiếp tục đón nhận những kỷ lục mới.

Có thể thấy, trong mấy năm trở lại đây, hoạt động M&A đã trở thành một xu hướng mới của dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và thị trường TP.HCM nói riêng. Thay vì việc tự đứng ra phát triển dự án bất động sản tại Việt Nam, hiện nay, nhiều nhà đầu tư ngoại có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản lý và phát triển dự án hướng đến việc bắt tay với đối tác trong nước đang có quỹ đất sạch để cùng nhau phát triển dự án.

Tại TP.HCM đã có nhiều liên doanh như trên được hình thành trong những năm qua, điển hình như Công ty Nam Long hợp tác với Hankyu Hanshin Toho Group và Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản), Công ty Tiến Phước, Trần Thái hợp tác với Keppel Land (Singapore), Công ty Tiến Phát hợp tác với Sanyo Home (Nhật Bản), Công ty An Gia hợp tác với Creed Group (Nhật Bản), Công ty Phúc Khang hợp tác với Mitsubishi Corporation (Nhật Bản) và Quỹ Genesis Global Capital (Singapore)…

Ngoài lĩnh vực bất động sản nhà ở, văn phòng, theo JLL, bất động sản công nghiệp và hậu cần cũng là phân khúc có sức hút mạnh mẽ với dòng vốn ngoại.

“Việc thiếu hụt các khu nhà máy kỹ thuật cao, không gian kho vận hậu cần hiện đại và xuất hiện nhu cầu mạnh mẽ từ khách thuê nước ngoài đang thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của ngành công nghiệp này. Chính vì vậy, ngành công nghiệp và kho vận tại Việt Nam vẫn nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2018 – 2022”, JLL đánh giá.

Gia Huy
Địa ốc Á Châu tổng hợp
Nguồn: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn

 

Chia sẻ: