Từ ngày 8-9/12 tới đây, HĐND tỉnh Lâm Đồng sẽ họp xem xét thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương. Giai đoạn 1, cao tốc này sẽ được đầu tư với tổng vốn 19.521 tỷ đồng theo phương thức BOT, dự kiến khai thác vào năm 2027.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có tờ trình kèm dự thảo nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương. Nghị quyết này dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh sẽ diễn ra ngày 8-9/12.2022 tới.
Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương là dự án nhóm A, được đầu tư theo phương thức PPP (giai đoạn 1 là BOT). Nhà đầu tư đề xuất dự án là liên danh gồm Công ty CP Tập đoàn T&T, Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang – FUTA GROUP, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang – FUTA GROUP là đại diện Liên danh Nhà đầu tư).
Về quy mô, tổng chiều dài cao tốc là 73,64 km, đi qua TP Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Điểm đầu cao tốc tại Km 126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc (điếm cuối của dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc); điểm cuối tại Km 200+000, giao với đường cao tốc Liên Khương – Prenn tại Km 208+650, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng.
Sau khi hoàn chỉnh (giai đoạn 2), cao tốc có quy mô 4 làn xe ô tô, chiều rộng nền 24,75 m, tốc độ thiết kế 100 km/h, có làn dừng khẩn cấp.
Giai đoạn 1, tuyến đường sẽ được xây dựng 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, tốc độ khai thác 80 km/h, khoảng 4 km-5 km bố trí một vị trí dừng xe khẩn cấp trên cùng chiều xe chạy. Tại các vị trí nút giao liên thông thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 24,75 m.
Về tiến độ ,giai đoạn 1: Chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022 – 2026; hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2027. Giai đoạn 2 (hoàn chỉnh) dự kiến đầu tư sau sau năm 2030. Trong điều kiện cho phép về thu xếp vốn, sẽ đẩy nhanh việc thực hiện giai đoạn hoàn chỉnh.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 19.521 tỷ đồng, giai đoạn giai đoạn 2 khoảng 6.227 tỷ đồng.
Về cơ cấu vốn trong giai đoạn 1, ngân sách nhà nước khoảng 7.761 tỷ đồng (chiếm khoảng 39,76% tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1), trong đó có 3.761 tỷ đồng dự kiến bồi thường bằng việc giao đất cùng mục đích sử dụng đất (tương đương khoảng 514 ha diện tích phải giải phóng mặt bằng).
Vốn nhà đầu tư huy động khoảng 11.760 tỷ đồng (chiếm khoảng 60,24% tống mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1); gồm: vốn chủ sở hữu tối thiểu khoảng 1.764 tỷ đồng (chiếm 15% tổng mức đầu tư không bao gồm vốn ngân sách nhà nước), còn lại vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 9.996 tỷ đồng (chiếm 85% tổng mức đầu tư không bao gồm vốn ngân sách nhà nước).
Giai đoạn 2, tổng mức đầu tư khoảng 6.227 tỷ đồng bằng 100% nguồn vốn do nhà đầu tư huy động, trong đó: Vốn chủ sở hữu tối thiêu khoảng 935 tỷ đồng (chiếm 15% tổng mức đầu tư), còn lại vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác khoáng 5.292 tỷ đồng (chiếm 85% tông mức đầu tư).
Tổng nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên theo giai đoạn 1 (giải phóng mặt bằng theo quy mô cao tốc rộng 24,75 m) khoảng 618,9 ha. Trong đó: TP Bảo Lộc 66,73 ha, huyện Bảo Lâm 44,04 ha, huyện Di Linh 292,54 ha, huyện Đức Trọng 215,59 ha. Diện tích chiếm dụng rừng sản xuất (nguồn gốc rừng trồng) khoảng 3,07 ha; diện tích chiếm dụng đất lúa khoảng 9,5 ha.
Nhu cầu đất để xây dựng trạm dừng nghỉ, kiểm tra kỳ thuật trên tuyến, dịch vụ (khoảng 66 ha) được thực hiện trong giai đoạn 1 đảm bảo đồng bộ, hiệu quả theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Giai đoạn 2 dự kiến sẽ đầu tư bổ sung, mở rộng khoảng 30 km đường gom thành đường song hành với tổng nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên khoảng 94,57 ha. Trong đó TP Bảo Lộc 6,65ha, huyện Bảo Lâm 7,70 ha, huyện Di Linh 41,49 ha, huyện Đức Trọng 38,73 ha.
Theo: moitruongvadothi