Địa ốc Á Châu – Quý I/2019 ngành bất động sản tăng trưởng 4,75% cao nhất trong nhiều năm qua. Kế hoạch kinh doanh của 15 doanh nghiệp bất động sản lớn đang hé lộ kế hoạch doanh thu tăng trưởng bình quân hơn 40%.
Thị trường thành phố trầm lắng, vùng cận trung tâm sôi động Báo cáo của Cục Thống Kê TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong quý I, ngành bất động sản TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng 6,86%, thấp hơn cùng kỳ quý I/2018. Ông Lê Hoàng Châu trong bài phát triển tại Hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng ngày 2/4/2019 cho rằng, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn do chủ yếu điểm nghẽn thủ tục hành chính kéo dài, dự án bị rà soát pháp lý thậm chí đang bị thanh tra và bất cân đối phía cung. Quy mô thị trường năm 2018 sụt giảm 34% so với năm 2017, đến quý I/2019 “thị trường rơi vào khó khăn” khi nhà vừa túi tiền – dòng sản phẩm mà cầu thị trường đang rất lớn chỉ chiếm 24% tổng sản phẩm. Trước đó, tại lễ cất nóc dự án Citrine Apartment (Tăng Nhơn Phú, Q.9, TP. HCM) do TDH đầu tư, ông Lê Hoàng Châu cho rằng thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh trong quý I/2019 là trầm lắng không như cùng kỳ năm trước. Và khi nhìn vào những gì đang diễn ra trên thị trường bất động TP. HCM trong quý I/2019, ngành bất động sản thành phố phải nỗ lực hơn nữa mới có được tăng trưởng cho cả năm 2019, bên cạnh phải có sự hỗ trợ hợp tác đồng hành của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp.
Nguồn: Số liệu GSO
Trong khi đó, báo cáo kinh tế xã hội cả nước quý I/2019 của Tổng Cục thống kê cho biết, quý I/2019, hoạt động kinh doanh bất động sản của cả nước tăng trưởng 4,75%, cao nhất trong vòng 15 năm qua hay so sánh cùng kỳ của các năm trước. Tuy nhiên, đóng góp của ngành kinh doanh bất động sản vào GDP cả nước theo giá hiện hành trong quý I/2019 đạt 5,73%, cao hơn mức đóng góp bình quân vào GDP của ngành trong năm 2018, nhưng thấp nhất so với các quý cùng kỳ kể từ năm 2013. Có điểm gì bất hợp lý trong 2 báo cáo trên không? Câu trả lời là không. “Sự phát triển của ngành bất động sản kéo theo sự tăng trưởng của khoảng 95 ngành nghề khác”. Vì vậy, giới chuyên môn cho rằng, dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường bất động sản, nhưng có sự chuyển dịch từ trung tâm về vùng cận trung tâm, qua đó, khiến giá bất động sản ở các vùng cận trung tâm leo thang. Ngoài ra, dòng sản phẩm cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh đang bị “đẩy giá” do các yếu tố khách quan và chủ quan cũng góp cho giá trị của ngành bất động sản tăng cao hơn mức tăng đóng góp của nó. Hé lộ kế hoạch kinh doanh của 15/30 doanh nghiệp – lạc quan tương lai ngành Kế hoạch kinh doanh của khoảng 15 doanh nghiệp bất động sản lớn đang niêm yết đã được hé lộ quy chương trình dự kiến/đã trình Đại hội đồng cổ đông trong kỳ họp thường niên diễn ra từ tháng 3-5/2019. Theo đó, trong 15 doanh nghiệp trong nhóm 30 doanh nghiệp lớn nhất trên các sàn chỉ có 3 doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu năm 2019 giảm (Vạn Phát Hưng giảm 23%, IJC giảm 3,7%). Bình quân 15 doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu năm 2019 tăng trưởng bình quân 42,5% so với năm 2018, dự kiến ghi nhận hơn 62.000 tỷ đồng doanh thu. Ngoại trừ những trường hợp cá biệt đưa ra kế hoạch doanh thu tăng trưởng đột biến do chuyển nhượng toàn bộ dự án như Phát Đạt (mã PDR), hầu hết các doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng do bàn giao sản phẩm và có “gối đầu” sản phẩm.
Nguồn: Báo cáo, Nghị quyết các công ty
Năm nay, Nam Long (mã NLG) sẽ ghi nhận doanh thu sản phẩm dự án Mizuki Park, dự án Akari; Waterpoint. Nhà Khang Điền (mã KDH) sẽ ghi nhận doanh thu sản phẩm dự án Jamila, Safira. Văn Phú – Invest (mã VPI) sẽ ghi nhận doanh thu sản phẩm dự án The Terra An Hưng, The Terra – Hào Nam, Grandeur Palace – Giảng Võ (Hà Nội). Tương tự, năm 2019, Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) ghi nhân doanh thu vượt trội đến từ dự án Centrosa (còn khoảng 6.000 tỷ đồng), và hơn 10 dự án bất động sản khác. TTC Land (mã SCR) ghi nhận doanh thu từ dự án TTC Plaza Bình Thạnh (Q. Bình Thạnh), Jamona Home Resort (Q. Thủ Đức), Jamona City (Q. 7), Carillon 5, Carillon 7 (Q. Tân Phú) và Cù Lao Tân Vạn (Biên Hòa – Đồng Nai). TDH cũng sẽ ghi nhận doanh thu từ dự án Citrine Apartment (dự kiến sẽ bàn giao nhà quý IV/2019) và đã được bán hết sản phẩm. Ở khía cạnh lợi nhận gần 13 doanh nghiệp đưa ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ gần 7.500 tỷ đồng (không có Novaland, Vinhomes, Vingroup…), tăng trưởng bình quân 14,7% so với năm 2018. Ngoại trừ LDG có kế hoạch lợi nhuận giảm mạnh (-20,6%), Tập đoàn Đất Xanh (chỉ tăng 1,9%), IJC tăng trưởng 8,2%, Vạn Phát Hưng tăng 6,8%, các doanh nghiệp còn lại đều có kế hoạch lợi nhuận tăng cao. Dẫn đầu nhóm doanh nghiệp đưa ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cao Nam Long (+26%); Hải Phát (mã HPX) tăng trưởng 59%; Netland (mã NRC) dự kiến 56%.
Nguồn: Số liệu báo cáo, nghị quyết các công ty
Mặc dù, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản được phân bổ theo năm (do quy định ghi nhận doanh thu, lợi nhuận sau khi đã hoàn tất bàn giao sản phẩm cho khách hàng), nhưng chắc chắn rằng, các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đưa ra phải dựa trên triển vọng thị trường trong tương lai. Ngoài việc đưa ra chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao, các doanh nghiệp cũng lạc quan về kế hoạch bán hàng. Nam Long dự kiến sẽ đưa ra thị trường một loạt sản phẩm các dự án căn hộ Akari (TP. HCM), Mizuki (TP. HCM), Waterpoint (Long An), Nam Long – Hải Phòng (Hải Phòng). TTC Land sẽ ra mắt 3 dự án mới tại thị trường TP. HCM bao gồm Charmington Dragonic, Charmington Golf & Life và Jamona Eco và dự kiến bán được 3.530 sản phẩm với doanh số bán hàng tương ứng 8.826 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 159% và 116% so với cùng kỳ. Năm 2019, Novaland sẽ giới thiệu ra thị trường khoảng 2.400 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng với 3 thương hiệu sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chính là NovaHills, NovaBeach và NovaWorld. Novaland tiếp tục tập trung vào thị trường nhà ở tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, dự kiến giới thiệu khoảng 4.500 sản phẩm căn hộ, nhà phố, biệt thự.
Hồng Quân
Á Châu Land
Nguồn: https://bizlive.vn