Á Châu Land – Trong số các tỉnh lân cận TP.HCM, bất động sản Long An được đánh giá là thị trường mới nổi.
Cùng với sự phát triển của hạ tầng giao thông kết nối và chính sách dãn dân đô thị của TP.HCM, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng đón đầu làn sóng đầu tư khiến cho thị trường bất động sản Long An thời gian qua phát triển khá mạnh.
Hấp lực giãn dân
Nằm liền kề TP.HCM, Long An được xem là địa phương vệ tinh đón lõng xu thế giãn dân của TP.HCM. Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Quản lý đô thị trên địa bàn TP.HCM, thực trạng vấn đề và giải pháp” do Thành ủy TP.HCM phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức mới đây, GS.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng TP.HCM muốn hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị hiện đại, có chất lượng sống tốt thì cần mở rộng không gian đô thị để phát huy hiệu quả hơn mối liên kết và chia sẻ chức năng vùng.
Từ đó, GS.KTS Trần Ngọc Chính đề xuất 2 phương án mở rộng TP.HCM về hướng Long An để phát triển theo mô hình tập trung đa cực. Phương án 1: Chủ yếu mở rộng về phía tỉnh Long An, lấy sông Vàm Cỏ Đông làm ranh giới tự nhiên gồm các huyện Cần Giuộc, Cần Đước và một phần huyện Bến Lức, với tổng diện tích khoảng 48.000 -50.000 héc ta, dân số khoảng 37- 42 vạn người. Khi đó, diện tích TPHCM sẽ tăng thêm khoảng 50 km2, từ 2.096 lên 2.146 km2, Long An giảm đi 50 km2.
Phương án 2: Vẫn mở rộng về phía tỉnh Long An, lấy sông Vàm Cỏ Đông làm ranh giới tự nhiên, gồm các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, lấy thêm huyện Cần Đước và một phần huyện Bến Lức với diện tích khoảng 90.000 đến 95.000 ha, dân số khoảng 65-70 vạn người. Khi đó, diện tích TPHCM sẽ tăng thêm khoảng 95 km2, từ 2.096 lên 2.191 km2.
Sau khi mở rộng, TP.HCM phát triển theo mô hình tập trung đa cực, khu vực trung tâm là khu nội thành với bán kính 15 km và bốn cực phát triển. Trong đó, 3 hướng chính là hướng Đông; hướng Nam; hướng Tây – Tây Nam (vùng đất dự kiến mở rộng) và hướng phụ là hướng Tây – Bắc. Dù đề xuất trên chỉ mới là ý tưởng nhưng trước đó một làn sóng dãn dân từ khu vực TP.HCM sang các huyện giáp ranh như Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức… đã diễn ra khá mạnh mẽ.
Cùng với đó, một loạt các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như cao tốc TPHCM – Trung Lương, cao tốc Bến Lức – Long Thành đang được thi công xây dựng và các dự án mở rộng đường Lê Văn Lương kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Cần Giuộc, dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Tạo thành đường 6 làn xe thông với Khu Công nghiệp Long Hậu… càng thúc đẩy nhanh hơn quá trình giãn dân và đang từng bước biến Long An thành tiểu vùng kinh tế của TP.HCM
Nhà đầu tư tranh nhau… “xí phần”
Nắm bắt xu hướng phát triển trong tương lai, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã nhanh chóng đổ bộ về Long An đầu tư xây dựng nhiều dự án lớn. Ghi nhận tại các huyện giáp ranh với TP.HCM như Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức… xuất hiện nhan nhản các bảng hiệu và giới cò đất rao bán các dự án bất động sản lớn đang được triển khai.
Đến thời điểm hiện nay, ngoài những doanh nghiệp địa phương, thị trường bất động sản Long An đã chứng kiến một sự đổ bộ của các đại gia địa ốc tên tuổi.
Trong đó, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được UBND tỉnh Long An chấp thuận đầu tư 36 dự án với diện tích 2.086 ha vào huyện Bến Lức. Đại gia Thaco cũng được tỉnh Long An chấp thuận đầu tư KCN Quốc tế Trường Hải tại huyện Đức Huệ với diện tích 162ha. Hay mới đây, Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) đã xin tỉnh Long An được đầu tư xây dựng khu kinh tế mở quy mô hơn 32.000ha trên địa bàn huyện Cần Giuộc và Cần Đước…
Tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, Công ty Bất động sản Danh Khôi (DKR) cũng công bố dự án Long Hậu Riverside. Với quy mô diện tích hơn 20 héc ta, đây là dự án đất nền sổ đỏ có phát lý hoàn chỉnh được DKR phát triển thành một khu dân cư đẳng cấp với nhiều tiện ích vượt trội. Trong đó, đáng chú ý của dự án này là sự hình thành khu phố chợ Long Hậu Riverside Market được thành lập trong lòng khu dân cư Long Hậu Riverside, phục vụ nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của dân cư, công nhân khu công nghiệp kề cận…
Dù vậy trong vài tháng gần đây, thị trường bất động sản Long An không còn sôi động như cuối năm 2017, đầu 2018 do chính quyền tỉnh này đang “siết” chặt rà soát quy hoạch, xử lý các dự án chưa hoàn thiện pháp lý. Điều này dẫn đến thực tế nguồn cung sản phẩm bất động sản hoàn thiện pháp lý đang dần trở nên khan hiếm.
Tuy nhiên, việc này cũng khiến cho thị trường diễn ra làn sóng ngầm về sự tăng giá. Nhiều dự án đất nền sổ đỏ, hạ tầng được đầu tư tốt vẫn âm thầm tăng giữa các giai đoạn, mức tăng cao nhất có thể lên đến 30% – 40% trong vòng 6 – 12 tháng qua.