Á Châu Land – Tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung diễn ra tại Bình Định ngày 20/8, các vị Bộ trưởng đứng đầu ngành công nghiệp, nông nghiệp, viễn thông…đã đưa ra những nhận định cho kinh tế miền Trung “cất cánh”.
Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung diễn ra tại Bình Định ngày 20/8
Theo thống kê, kinh tế miền Trung thu được nhiều kết quả quan trọng sau 30 năm đổi mới, tình hình kinh tế xã hội của vùng có nhiều khởi sắc, GRDP vùng tăng trưởng 6,72% – cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Một số địa phương trước đây khó khăn nay đã tăng trưởng tốt: Quảng Bình, Phú Yên, Ninh Thuận. GRDP vùng tăng lên 2.574 USD/người. Riêng vùng kinh tế trọng điểm, GRDP đạt hơn 2.600 USD, bằng mức bình quân chung của cả nước.
14 tỉnh miền Trung và chiếc đòn gánh của đất nước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, 14 tỉnh miền Trung với vai trò là chiếc đòn gánh của đất nước, mở ra xa lộ hành lang Đông Tây kết nối với các vùng kinh tế lớn của thế giới. Cùng với đó là tiềm năng về địa lý, tài nguyên thiên nhiên, văn hoá…tuy nhiên, kinh tế miền Trung vẫn còn nhiều hạn chế. Về tồn tại ở khu vực nông nghiệp, vị Bộ trưởng cho hay, suy cho cùng kinh tế nông nghiệp cơ bản vẫn là nhỏ lẻ, số doanh nghiệp chưa nhiều. Vì vậy, kinh tế nông nghiệp miền Trung chưa thực sự phát triển. Ông Cường kiến nghị cần khơi dậy tiềm năng rất lớn về nông nghiệp tại khu vực miền Trung, đặc biệt là các ngành: Dược liệu, cây ăn quả, du lịch sinh thái rừng, đặc biệt là hình thành khu vực kinh tế rừng tại miền Trung. Về khai thác thuỷ sản, Bộ trưởng Cường cho biết, chủ trương chung là không tăng sản lượng khai thác thuỷ hải sản tự nhiên, do đó phải tăng chế biến sâu gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như có các quy hoạch về nuôi trồng thuỷ hải sản. Nhân lực là lợi thế lớn của miền Trung. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lại cho rằng các tỉnh miền Trung cần đi đầu về công nghệ và hạ tầng viễn thông. Chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số. Các tỉnh miền Trung hoàn toàn có thể đi đầu về các nội dung trên. Ví dụ, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đang làm tốt nhất về phát triển hạ tầng số. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn là cuộc cách mạng về thể chế chính sách. “Các tỉnh miền Trung không có nhiều thứ để mất nên có thể chấp nhận cái mới nhanh hơn. Đổi mới sáng tạo về mô hình kinh doanh làm cái nôi để phát triển công nghệ mới, sản phẩm mới”, Bộ trưởng Hùng nói. Về công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Miền Trung đã chứng kiến bước phát triển lớn trong thời gian vừa qua. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp đóng góp quan trọng vào GRDP, thu ngân sách Nhà nước, phát triển công ăn việc làm,… Thời gian qua với sự quan tâm của Chính phủ, kinh tế miền Trung đã phát triển mạnh, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã được xây dựng như Chu Lai, Chân Mây, Nhơn Hội, Dung Quất… Cùng với hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không được tăng cường…sẽ là tiền đề để đột phá phát triển miền Trung trong tương lai. Phát triển công nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ tại một số địa phương nhưng hình hài kinh tế vùng vẫn chưa rõ nét, liên kết vẫn còn yếu, chưa tạo ra sự lan toả đối với phát triển kinh tế vùng. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, sự cạnh tranh khốc liệt hơn đòi hỏi phải tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ. Một số doanh nghiệp yếu kém về năng lực, năng suất lao động thấp phải có cải cách mạnh mẽ hơn. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần có sự quan tâm của cả vùng để đưa ra cơ chế phân công, phát triển hợp lý, trong các ngành công nghiệp có tiềm năng như công nghiệp, chế tạo, năng lượng,… Cũng như có những chính sách cụ thể hoá những giải pháp để phát triển kinh tế miền Trung. Nhiều dư địa cho du lịch “cất cánh” Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, cho rằng, miền Trung là khu vực quan trọng về du lịch. Theo thống kê, miền Trung có 5 di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, 60 di tích quốc gia và 4 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Miền Trung có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng đến nay vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho các dải đất ven biển này. Năm 2018, các tỉnh miền Trung đón khoảng 10 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 50 triệu lượt khách, chiếm 30% cả nước. Về doanh thu du lịch, đạt khoảng 119 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 34%. Tuy nhiên nếu tính tỷ trọng trong tương quan cả nước còn khá thấp, chỉ đạt 19%. Những địa bàn trọng điểm của du lịch miền Trung bao gồm: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa. Bên cạnh đó, cũng có nhiều địa phương đang vươn lên về phát triển du lịch như Thanh Hóa, Nghệ An, song ngành du lịch của khu vực này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Theo ông Tùng, hiệu quả kinh doanh du lịch miền Trung chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế dù đã có 13 khu du lịch quốc gia. Công tác quản lý, điều hành quản lý còn hạn chế, nhiều điểm du lịch khai thác tự phát, chưa có nhiều sản phẩm gắn với nhiều giá trị văn hóa, ngoại trừ một số địa điểm như Hội An, Huế. Thứ trưởng kiến nghị, cần tập trung thu hút đầu tư vào các khu đã được quy hoạch, tạo ra động lực phát triển cho du lịch miền Trung. Nghiên cứu kế hoạch phát triển chung cho cả khu vực. Cần phải kiện toàn lại hệ thống cơ sở đào tạo hiện có, từ đó hình thành ra lộ trình cụ thể. Cuối cùng, tập trung vào chương trình quảng bá xúc tiến chung của vùng, xác định thị trường đặc trưng của vùng, xây dựng kế hoạch triển khai riêng và chung. Triển khai phát triển công nghệ vào du lịch, hệ sinh thái du lịch thông minh. Sớm hình thành cổng thông tin du lịch miền Trung, phát triển du lịch gắn với môi trường, tạo ra môi trường phát triển du lịch bền vững.
Theo: http://vneconomy.vn